Hình thành vùng chè công nghệ cao hướng đến sản phẩm chất lượng là xu hướng tất yếu để phát triển cây chè một cách bền vững và mở đường xuất khẩu đem lại kinh tế cao hơn cho người nông dân.
Hình thành vùng chè công nghệ cao hướng đến sản phẩm chất lượng là xu hướng tất yếu để phát triển cây chè một cách bền vững và mở đường xuất khẩu đem lại kinh tế cao hơn cho người nông dân.
|
Sản xuất chè ứng dụng công nghệ cao là xu hướng tất yếu để phát triển nông nghiệp bền vững. Ảnh: H.Y |
Được thiên nhiên ưu đãi về đất đai, khí hậu - ở độ cao 600 - 1.600 m, đó là một lợi thế để chè Lâm Đồng có năng suất cao, chất lượng tốt so với các vùng trồng chè khác. Hiện Lâm Đồng có vùng nguyên liệu chè lớn nhất nước với diện tích sản xuất ổn định gần 22 ngàn ha và được mệnh danh là “thủ đô chè” Việt Nam.
Mặt hàng xuất khẩu quan trọng
Doanh nghiệp (DN) tư nhân Tam Dương, ở xã Lộc Quảng là một trong những đơn vị đi đầu trên địa bàn huyện Bảo Lâm về việc xây dựng mô hình trồng chè Olong xuất khẩu. Hiện công ty có hơn 70 ha đất sản xuất trồng chè Olong, trung bình mỗi năm, Công ty sản xuất 6 lứa chè, mỗi lứa hơn 120 tấn chè nguyên liệu dùng để sản xuất trà Olong. Ông Lại Thế Cần, Giám đốc Công ty Tam Dương thông tin: Để tạo ra nguồn chè giống bảo đảm, chúng tôi đã đầu tư hệ thống nhà xưởng, lưới che và vòi phun tưới đồng bộ; nguồn cây giống được lựa chọn rất kỹ; đồng thời chú trọng đào tạo nâng cao trình độ cho người lao động. Công ty làm ra sản phẩm để xuất khẩu sang thị trường Nhật, Úc, Đài Loan.... Hiện nay, doanh thu của DN đạt hơn 20 tỷ đồng/năm.
Công ty Cổ phần Long Đỉnh đã có 28 ha chè chất lượng cao được cấp chứng nhận đủ tiêu chuẩn. Theo bà Trần Phương Uyên, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Long Đỉnh cho hay: Hiện nay, Công ty có khoảng 60 ha sản xuất chè Olong, trong đó, diện tích của Công ty khoảng 10 ha và liên kết sản xuất với nông dân 50 ha, tất cả sản phẩm của Công ty đều được xuất khẩu sang thị trường Đài Loan.
Nhìn chung, mỗi ha chè giống cũ được thay thế bằng chè giống mới đem lại hiệu quả kinh tế, tăng từ 10 - 20% tổng thu nhập bình quân của năm.
Ông Lại Thế Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV cho biết, cùng với rau, hoa và cà phê, chè là mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Lâm Đồng trong lĩnh vực nông nghiệp, được xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới. Trong số các đơn vị sản xuất, chế biến chè tại thành phố Bảo Lộc, có tới 22 doanh nghiệp, cơ sở xuất khẩu trực tiếp hoặc gián tiếp đi nước ngoài. Các sản phẩm xuất khẩu gồm: chè Olong, chè xanh, chè xanh ướp hương và chè đen. Thị trường tiêu thụ trải dài từ các nước Đông Nam Á (Indonesia, Thái Lan, Singapore), khu vực Đông Bắc Á (Trung Quốc, Nhật Bản và vùng lãnh thổ Đài Loan) đến các nước Trung Á (Apganistan, Pakistan, Ả Rập) và Mỹ…
Hình thành vùng chè chất lượng cao
Tuy nhiên, sau nhiều năm canh tác, những vùng sản xuất chè xanh truyền thống trên địa bàn tỉnh phần lớn đều đã già cỗi, năng suất rất thấp nên không hiệu quả. Kinh tế hộ nông dân vùng sản xuất chè còn nhiều khó khăn nên chưa coi trọng việc thay thế giống, đầu tư tiến bộ KHKT vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chè an toàn mà trong đó chất lượng là một khâu đột phá quyết định giá trị của sản phẩm. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, hiện diện tích chè toàn tỉnh có 21.044 ha, phân bổ tại 11 huyện, thành phố trong tỉnh, tập trung chủ yếu ở Bảo Lâm, Bảo Lộc và Di Linh. Diện tích cho thu hoạch là 19.935 ha, sản lượng chè búp tươi năm 2017 ước đạt 158,9 tạ/ha/năm. Trong đó, diện tích chè canh tác theo hướng công nghệ cao của Lâm Đồng vào khoảng 6.340 ha, trong đó chè chất lượng cao Olong 2.280 ha và trên 4.000 ha chè cành cao sản.
Hiện nay, diện tích và sản lượng chè liên tục giảm và chủng loại, chất lượng, giá trị sản phẩm chè Lâm Đồng còn thấp, tính cạnh tranh chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của địa phương. Chính vì vậy, Lâm Đồng tập trung xây dựng 2 vùng chè công nghệ cao tại thành phố Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm với diện tích 600 ha.
Ông Đậu Văn Xuân, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Lâm cho biết, khi chưa hình thành vùng sản xuất chè công nghệ cao người dân đã biết áp dụng các quy trình sản xuất chè theo hướng công nghệ cao. Hiện Bảo Lâm có 2.900 ha chè ứng dụng công nghệ cao, trong đó chè chất lượng cao 800 ha, chè cành cao sản 2.100 ha, sử dụng hệ thống tưới phun 1.362 ha, sử dụng hệ thống thu hoạch tự động và bán tự động 700 ha, sản xuất theo VietGAP, GlobalGAP 650 ha, sản xuất theo hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm 70 ha. Đối với việc chăm sóc, canh tác chè, nông dân đang được hướng dẫn áp dụng một trong các tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGAP, HACCP, chè hữu cơ để quản lý nguyên liệu chè, ổn định chất lượng sản phẩm. Đồng thời, gắn vùng nguyên liệu với công nghiệp chế biến, áp dụng các kỹ thuật tiên tiến trong trồng trọt, đảm bảo tỷ lệ sống cao và tạo vùng nguyên liệu bền vững.
Lâm Đồng đã triển khai thực hiện nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích nhân dân các địa phương phát triển cây chè, đẩy mạnh việc ứng dụng KHKT trong quá trình lai tạo giống, chăm sóc, chế biến và bảo quản sản phẩm. Nội dung hỗ trợ gồm: Hỗ trợ giá các giống chè mới để trồng thay thế, trồng mới; cấp phát thiết bị chế biến, bảo quản sản phẩm chè; thực hiện các mô hình điểm về ứng dụng KHKT gắn với tiêu thụ sản phẩm… Với mục tiêu cụ thể đến năm 2020 phải có 70% diện tích chè sử dụng giống mới. Đồng thời tiếp tục phát triển một số giống chè có khả năng sinh trưởng phù hợp với chất đất ở địa phương, như Olong, Kim Tuyên, Phúc Văn Tiên... làm cơ sở phát triển ngành chế biến sản xuất các loại trà Olong, trà xanh cao cấp.
Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh cũng đề ra những giải pháp về công nghệ trong sản xuất, chế biến và bảo quản chè với định hướng hỗ trợ cụ thể. Đây thực sự là cơ hội để người làm làm chè tiếp tục nâng cao hơn nữa, đưa sản phẩm thế mạnh của địa phương vươn xa không chỉ trong nước mà cả quốc tế. Quy hoạch và sắp xếp lại, giảm số lượng nhà máy chế biến, trong đó nhà máy chế biến phải có liên kết với vùng nguyên liệu và nghiêm chỉnh áp dụng tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt nhằm đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn cho sản xuất.
(Báo Lâm Đồng Online)